Kể từ sau bản cập nhật tháng 9/2021 của Microsoft nhằm vá lỗi bảo mật PrintNightmare trên Windows, người dùng đã không thể in qua mạng với máy chủ chia sẻ là Win 10 như trước đây. Và khi bạn thêm máy in qua địa chỉ mạng hoặc tên PC sẽ bắt gặp thông báo lỗi “Connect to printer: Windows cannot connect to printer” với mã lỗi 0x0000011b.
Lý do là bản cập nhật lần này đã thiết lập bảo vệ cho khóa RpcAuthnLevelPrivacyEnabled trong Registry (dù máy bạn vẫn chưa được tạo khóa) nhằm tăng cấp độ xác thực RPC khi in qua mạng, tránh bị hacker khai thác tấn công.
Để có thể cài máy in qua mạng cho các máy con mà không bị lỗi 0x0000011b thì cách mọi người thường xử lý là gỡ bản cập nhật KB5005565 hay KB5005568 trên máy chủ Windows 10 đang kết nối trực tiếp máy in qua cáp USB.
Phương pháp này hiệu quả nhưng theo mình lại không hoàn hảo bởi vì hệ thống có thể sẽ tự động chạy cập nhật lên vào một lúc nào đó và thiết lập lại được trở về. Dù bạn có tắt update win thì những phần mềm như diệt virus, bản quyền cũng sẽ bật lại (tắt update win sẽ không nhận được bảo mật theo thời gian, gây nhiều rủi ro).
Sau đây mình xin chia sẻ cho các bạn cách sửa lỗi 0x0000011b khi in qua mạng mà không cần phải gỡ bản cập nhật Windows.
Hướng dẫn sửa lỗi 0x0000011b khi in qua mạng bằng cách chỉnh sửa Registry
Trên máy chính Windows 10 đang cắm dây trực tiếp với máy in.
- Bạn mở Registry Editor bằng cách nhấn Windows + R, nhập vào regedit rồi nhấn Enter
- Truy cập đường dẫn:
Computer\HKEY_LOCAL_MACHINE\SYSTEM\CurrentControlSet\Control\Print
(Bạn có thể copy đường dẫn trên và paste rồi nhấn Enter như hình bên dưới cho nhanh)
Tiếp theo bạn click chuột phải lên mục Print, chọn New => DWORD (32-bit) Value
Nhập tên là RpcAuthnLevelPrivacyEnabled và đặt giá trị của nó là 0 như hình dưới
Tắt Registry Editor và khởi động lại máy tính hoặc bạn có thể restart lại service Print Spooler
Đến đây là xong, giờ đây bạn có thể cài in qua mạng trên các máy tính khác mà không gặp phải lỗi 0x0000011b nữa rồi. (bạn cần xóa và add lại máy in đã thêm qua mạng trước đó trên máy client nhé!)
Ngoài ra bạn có thể tải về file .cmd bên dưới và chạy nó bằng quyền Adminsitrator là giải quyết được vấn đề và có thể thêm máy in qua mạng nhanh gọn, không cần khởi động lại máy:
Tải về: Fix share Printer 0x0000011b.cmd
Lưu ý: Vì đây là file thực thi nên có thể bị chặn bởi trình duyệt lúc tải về hoặc khi cài đặt. Bạn cứ chọn giữ lại và chạy bằng quyền Administrator nhé, nếu có thông báo “Windows protected your PC” thì chọn More info > Run anyway
Nội dung trong file CMD
@echo off cls echo. echo "Fixing registry value..." echo. REG ADD HKEY_LOCAL_MACHINE\System\CurrentControlSet\Control\Print\ /f /v RpcAuthnLevelPrivacyEnabled /t REG_DWORD /d 0 echo. echo "Restarting Print Spooler Service" echo. net stop spooler net start spooler pause
Bạn có thể tự tạo file cmd để khởi chạy bằng cách copy nội dung trên vào trình soạn thảo và Save as với đuôi .cmd cũng Oke nhé!
Chúc các bạn thành công!