Với những ai thường xuyên sử dụng máy in chắc hẳn cũng từng gặp phải tình trạng kẹt giấy. Việc hiểu, nắm bắt được rõ nguyên nhân gây ra lỗi kẹt giấy giúp ta có thể khắc phục vấn đề nhanh chóng, hiệu quả.
Hiện tượng kẹt giấy có thể rơi vào nhiều vị trí khác nhau trên máy in như tại bộ phận hộp mực, dàn sấy, khay đảo giấy (in 2 mặt),… giấy kẹt có thể có chữ, trang trắng, nhăn giấy hoặc kéo 1 lúc nhiều tờ.
Dưới đây là một vài chia sẻ về kinh nghiệm sửa lỗi kẹt giấy hiệu quả, cách lấy gỡ giấy và sử dụng bảo quản máy in đúng cách.
Nguyên nhân máy in bị lỗi kẹt giấy và cách khắc phục
Giấy bị ẩm: Hiện tượng máy in kéo một lúc nhiều tờ có thể xảy ra do giấy bị dính. Bạn hãy bảo quản giấy in tại nơi khô ráo, không bị thấm nước và thoáng mát, tránh nhiệt độ cao sẽ làm giấy bị ẩm, nhăn nhúm.
Chất lượng giấy in không đảm bảo: Bạn nên lựa chọn giấy có chất lượng, phù hợp với máy in của bạn. Sử dụng giấy quá dày hoặc quá mỏng cũng là nguyên nhân gây lỗi kẹt giấy và dễ hư hỏng linh kiện.
Liên quan đến hộp mực (Cartridge): Giấy in bị chặn, kẹt giấy tại vị trí hộp mực. Có thể Cartridge bị biến dạng, Drum hoặc trục từ không lăn được, nắp che bảo vệ Drum bị lệch,… do quá trình nạp mực tháo lắp không đúng cách dẫn đến lỗi kẹt giấy.
Rơ le đá giấy bị lỗi: Khi bắt đầu lệnh in, rơ le sẽ đá giấy tương ứng mỗi trang được kéo đi sau đó. Việc rơ le bị lỗi, bị dính keo sẽ gây ra tình trạng đá giấy liên tục mặc dù trang hiện tại chưa in xong dẫn tới kéo thêm tờ trắng và kẹt giấy.
Cách khắc phục rơ le bị lỗi đá giấy rất đơn giản. Ví dụ trên máy in canon 2900, các bạn tháo nắp hông bên phía Board Formatter và lấy rơ le ra. Cạo hết lớp keo bị dính trên rơ le và dán lại bằng miếng nhựa cách điện, ngay ngắn và không quá dày.
Cụm sấy máy in gặp lỗi: Cụm sấy có nhiệm vụ làm chín mực để mực bám chắc trên giấy, nhưng qua thời gian do bộ sấy có nhiệt độ lớn gây ra hiện tượng khô mỡ bôi trơn làm rách bao lụa, bong trục lô ép nên giấy không thể đi qua mà bị kẹt giấy ngay tại dàn sấy (giấy kẹt đã có nội dung khác với giấy trắng do rơ le).
Với lỗi này bạn cần bung vỏ máy in và tháo cụm sấy ra kiểm tra, nếu thấy rách bao lụa hoặc trục lô ép có vấn đề bạn cần nên thay thế nó và nhớ tra mỡ bôi trơn.
Sử dụng và bảo quản máy in đúng cách
- Sử dụng giấy in và mực in chất lượng.
- Bảo quản máy in và giấy in tại nơi khô ráo tránh ẩm ướt, ánh nắng hoặc nhiệt độ cao.
- Vệ sinh, kiểm tra giấy trước khi in tránh để giấy bị nhăn, dính cát bụi, kim bấm gây kẹt giấy hoặc hư hỏng linh kiện.
- Nên nạp mực ngay khi bắt đầu hết mực (thường mờ 1 đường dọc), không nên lắc sốc hộp mực để in tiếp gây đổ mực thải ảnh hưởng đến máy in, hộp scan.
- Nếu có hiện tượng đổ mực hoặc rách bao lụa (thường nghe tiếng xoạc xoạc khi in và có mẫu bao lụa bị rơi ra) bạn nên tháo ra kiểm tra hoặc mang đến trung tâm bảo dưỡng.
Gỡ giấy bị kẹt ra khỏi máy đúng cách: Tháo hộp mực ra ngoài, nắm và kéo giấy từ từ ra khỏi máy theo chiều xuôi tránh kéo ngược làm rách giấy. Nếu không phát hiện giấy kẹt nhưng máy vẫn báo lỗi thì có thể giấy đang nằm ở khay đảo hoặc kẹt tại nắp sau máy in.